Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Người Việt ở Âu Châu

Người Buôn Gió
Tôi đi không nhiều nơi, không gặp nhiều người lắm. Nên bài viết này không khái quát hết toàn bộ người Việt ở Châu Âu. Chỉ một góc hẹp trong số những người tôi gặp.

Người Việt sang Châu Âu rất đa dạng, đi học, đi làm và di tản.

Người di tản thường là người miền Nam đi hồi năm 1975 bằng con đường vượt biển, họ được tàu Châu Âu cứu và theo tàu của nước cứu về định cư tại nước đó. Có nước dùng riêng cả một con tàu lang thang ngoài biển Đông xem có người Việt vượt biên không để cứu vớt. Cá biệt có số người miền Nam VNCH đi học thời đó và khi chiến tranh xảy ra họ ở lại luôn không về nữa.

Nhiều gia đình người Việt di tản là người gốc Bắc di cư vào Nam năm 1954. Ở những gia đình này tiếng Việt thuần khiết cũng như các phong tục, lề thói được giữ gìn một cách trang nghiêm, nền nếp đến đời thứ ba. Ở Bremen tôi được ăn những bát bún thang của một bà mẹ hơn 80 tuổi,người phố Hàng vải cũ. Bát bún của bà làm tôi ngạc nhiên bởi nước dùng trong vắt và ngọt thơm, một bát bún hương vị đặc biệt của Hà Nội không lẫn tạp. Chỉ tiếc điều sợi bún làm từ bún khô chứ không phải bún tươi. Những người trong gia đình này đối xử với nhau ân cần, lễ độ, trên dưới một cách rất Hà Nội cũ.

Rất nhiều người Việt già di cư năm 1975 vẫn đi làm, ở tuổi 80 hay thậm chí hơn họ vẫn chăm chỉ kiếm việc nào phù hợp với mình. Ở Oslo tại một nhà đôi vợ chồng già người Bắc di cư năm 54, thức dậy lúc 7 giờ sáng tôi ngạc nhiên thấy trong nhà không có ai. Cả hai ông bà đều đi từ lúc nào, chỉ có mảnh giấy ghi lại lời dặn thức ăn để trong tủ lạnh và chìa khóa nhà nằm trên mẩu giấy.

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

ĐƠN YÊU CẦU ĐIỀU TRA VÀ TRẢ LỜI CÔNG DÂN

ĐƠN YÊU CẦU ĐIỀU TRA VÀ TRẢ LỜI CÔNG DÂN

V/v: Điều tra và trả lời về việc công an mặc áo thường phục giả danh côn đồ đánh dân

Kính gửi: 
- Cơ quan điều tra Bộ Công an

Đồng kính gửi: 
- Công an thành phố Hà Nội
- Công dân Lê Hiền Đức 

Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, là:
- Những người tham gia biểu tình chống Trung Quốc gây hấn ngày 02/06/2013, bị bắt đưa về Trung tâm lưu trú Lộc Hà - Đông Anh - Hà Nội (gọi tắt là trại Lộc Hà).
- Những người bạn của những người bị bắt, có mặt bên ngoài cổng trại Lộc Hà lúc chiều ngày 02/06/2013.

Chúng tôi tường trình vụ việc sau:

1. Vào chiều ngày 02/06/2013, trong khi chúng tôi chờ đợi ông Trương Văn Dũng (là một công dân đi biểu tình bị công an Hà Nội bắt) ở cổng trại Lộc Hà thì một số đối tượng mặc thường phục đã đến khiêu khích, gây gổ và đánh một số người trong chúng tôi là Nguyễn Chí Đức, Bùi Tiến Hưng, Nguyễn Văn Phương. Những đối tượng này mặc thường phục, không đeo băng đỏ, chủ động tấn công không một lời giải thích một cách rất tàn bạo và đã được chúng tôi ghi hình, quay phim lại đầy đủ. (ảnh 1)

2. Điều đáng ngạc nhiên là những đối tượng này đã xuất hiện trước đó trong trang phục cảnh sát, tự vệ đeo băng đỏ. Những người bị bắt của chúng tôi xác nhận sự việc này và có bằng chứng kèm theo dưới đây. (ảnh 2)

3. Qua điều tra, chúng tôi xác minh được một trong số đối tượng này tên là Lê Ngọc Tùng, khi thực hiện nhiệm vụ trong trại Lộc Hà mặc áo cảnh sát với quân hàm trung sĩ.

Việc các chiến sĩ công an sau khi làm việc lại bỏ quân phục mặc thường phục, giả danh côn đồ khiêu khích và đánh đập đương sự là hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của ngành công an và tính công bằng của pháp luật, chứng tỏ:

1. Các chiến sĩ công an nói trên hoàn toàn vô trách nhiệm trong lúc thi hành pháp luật, có ý đồ xấu và định kiến trong lúc làm nhiệm vụ. 

2. Chính các chiến sĩ công an nói trên mới là những đối tượng gây rối trật tự công cộng.

3. Mở rộng ra, có khả năng toàn bộ quá trình bắt bớ, lập hồ sơ, xử phạt người biểu tình chống Trung Quốc, cơ quan công an đã định kiến và lập hồ sơ không chính xác để xử phạt những người biểu tình này.

Vì vậy, chúng tôi yêu cầu những cơ quan nêu trên điều tra và trả lời chúng tôi những vấn đề sau:

1. Xác minh chiến sĩ công an trong ảnh 2 chúng tôi đưa ra có phải là trung sĩ Lê Ngọc Tùng hay không? Có đúng chiến sĩ đó đã tham gia đánh anh Nguyễn Văn Phương như trong ảnh 1 không? Nếu không phải, chúng tôi đề nghị cơ quan công an triệu tập người trong ảnh 2 đến để đối chất với chúng tôi.

2. Việc đánh người như bằng chứng của chúng tôi cung cấp không phải là của một cá nhân, mà là cả một nhóm người liên quan với nhau. Nếu một trong số đó là công an, thì nhiều khả năng toàn bộ những người tham gia đánh người cũng là công an. Đề nghị cơ quan công an điều tra và xác minh và trả lời cho chúng tôi về danh tính những người này.

3. Công bố và đối chất với người bị xử phạt các chứng cứ làm cơ sở để quyết định đưa người vào trung tâm giáo dục, quyết định xử phạt hành chính đã được lập bởi cơ quan công an trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn từ năm 2011 đến nay. Nếu các chứng cứ này không đủ sức thuyết phục, đề nghị huỷ bỏ và đình chỉ mọi quyết định xử phạt đã đưa ra. 

Chúng tôi đề nghị cơ quan điều tra Bộ Công an trả lời chúng tôi, đại diện là ông Trương Văn Dũng - Địa chỉ: Nhà 69 ngõ 73 phố Nguyễn Lương Bằng - Đống Đa - Hà Nội bằng văn bản.

Nếu quý cơ quan không trả lời, chúng tôi có quyền cho rằng việc những chiến sĩ công an giả danh đánh người là có thật và đang được bao che. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối các quyết định xử phạt của cơ quan công an.

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

CLB BÓNG ĐÁ NO-U FC RA SÂN LẦN THỨ 72 CHIỀU 23/06/2013

Mời các bạn và anh chị xem tường thuật trận đá bóng chiều nay của CLB bóng đá NO-U.
Vì một số thành viên NO-U FC đi dự tang lễ Vỹ Nguyễn nên trận đấu chiều nay không thể đông đủ, thêm một lý do nữa là trời Hà Nội mưa xập sùi vì ảnh hưởng cơn bão số 2. Dù vậy, buổi luyện tập vẫn được duy trì và mọi người vẫn chụp những tấm ảnh kỷ niệm cho lần ra sân này.